Tối 4/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã đưa ra thông báo liên quan đến nội dung lan truyền trên mạng xã hội, về việc lãnh đạo ngân hàng này đánh bạc, và chuyển tiền ra nước ngoài với giá trị hàng chục triệu USD. Theo Ngân hàng ACB, đó là nội dung hoàn toàn bịa đặt.
Vẫn theo ACB, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín, và thương hiệu của ngân hàng này, chưa kể những thiệt hại khác trong kinh doanh. Bởi cả 2 thông tin đánh bạc, và chuyển tiền ra nước ngoài đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên mạng xã hội của người Việt, có nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện tin đồn lãnh đạo ngân hàng ACB đánh bạc, rồi bỏ trốn, và bị cấm xuất cảnh, xuất phát từ bà Nguyễn Phương Hằng. Trước đó một ngày, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip cho thấy bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam tiết lộ câu chuyện kể trên, và đề nghị cơ quan nhà nước vào cuộc kiểm tra xem có đúng hay không? Được biết, hiện nay bà Nguyễn Phương Hằng đang đi du lịch tại Châu Âu.
Từ tháng 3/2021, bà Hằng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với các buổi livestream, về đời tư của nhiều nghệ sĩ và cá nhân. Điều đó đã dẫn đến việc bà Hằng đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào năm 2022, với cáo buộc theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tới tháng 9/2023, bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội danh kể trên. Sau khi được trả tự do, tháng 9/2024, bà Hằng được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đại Nam.
Theo giới thạo tin, trong quá khứ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu đã trải qua một số bê bối đáng chú ý. Cụ thể:
- Vào năm 2003, xuất hiện tin đồn Tổng Giám đốc ACB lúc bấy giờ, ông Phạm Văn Thiệt, đã bỏ trốn. Tin đồn này đã gây hoang mang, khiến khách hàng ồ ạt rút tiền, ảnh hưởng đến hoạt động của ACB và cả hệ thống ngân hàng.
- Tới năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là “bầu Kiên”), một trong những người sáng lập và có ảnh hưởng lớn tại ACB, bị bắt giữ vì các sai phạm trong hoạt động kinh tế. Sự kiện này dẫn đến việc khách hàng rút tiền hàng loạt, gây áp lực thanh khoản nghiêm trọng cho Ngân hàng ACB.
- Tiếp đó, nhiều lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Xuân Giá và Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải cũng bị bắt, hoặc từ chức liên quan đến vụ việc vừa kể.
- Mới nhất, vào tháng 3/2024, một khách hàng tại Sài Gòn đã khiếu nại ngân hàng này về việc mất 95 triệu đồng trong tài khoản thông qua hình thức rút séc. Chưa hết, tháng 9/2024, Ngân hàng ACB bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do báo cáo tài chính hàng năm có vấn đề.
Được biết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là con trai của ông Trần Mộng Hùng – người sáng lập Ngân hàng ACB, và mẹ là bà Đặng Thu Thủy – thành viên Hội đồng Quản trị của ngân hàng này. Ông Huy tốt nghiệp tại Đại học năm 2002, và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế năm 2011 tại Hoa Kỳ.
Ông Trần Hùng Huy bắt đầu sự nghiệp tại Ngân hàng ACB từ năm 2002, đến tháng 9/2012, khi Ngân hàng ACB đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ở tuổi 34, trở thành một trong những CEO ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông Huy, Ngân hàng ACB đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Tin giờ chót, theo báo Dân Trí, cuối giờ chiều ngày 6/1, Ngân hàng ACB đã mất hơn 1.000 tỷ đồng vốn hóa sau khi bị tung tin lãnh đạo ngân hàng đánh bài và chuyển tiền ra ngoại quốc. Theo đó, ACB là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng trên HoSE phiên sáng ngày 6/1, và cũng là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index trong ngày đầu tuần.
Trà My – Thoibao.de